1. Đầu tháng 8.2017, vụ án cụ ông Đinh Công Mách (84 tuổi, ở
Cần Thơ) bị con kiện đòi bỏ tù đã làm xôn xao dư luận. Nói như những người tham
gia xét xử vụ án ở phiên tòa phúc thẩm, xét về mặt hình sự thì đây là một vụ án
rất nhỏ, nhưng về mặt đạo đức thì vụ án đã gây rúng động mạnh, bởi đụng đến
tình cảm cao đẹp luôn được con người của mọi xã hội, mọi thời đại tôn vinh:
tình cha con.
Hình ảnh ông cụ già nua, lưng còng, tóc phơ phất, vấn trên đầu
chiếc khăn rằn Nam bộ, ngồi bệt ở sân tòa, bên mình luôn kè cái giỏ nhựa (không
biết đựng gì) cứ ám ảnh tôi mãi. Cụ chính là bị cáo trong phiên tòa sơ thẩm vụ
án cố ý gây thương tích mà những bị hại là con trai, con dâu và bạn của con gái
cụ.
Cha, con và chút tình người
TIN LIÊN QUAN
Vụ 'con kiện đòi bỏ tù cha': Sửa án sơ thẩm, miễn hình phạt
cho bị cáo
Sáng 7.11, Tòa phúc thẩm TAND TP.Cần Thơ đã tuyên sửa án sơ
thẩm, miễn hình phạt cho bị cáo Đinh Công Mách (84 tuổi, ngụ P.Long Hòa, Q.Bình
Thủy, TP.Cần Thơ) về tội danh cố ý gây thương tích.
Theo hồ sơ vụ án, vì có mâu thuẫn trong tranh chấp đất với vợ
chồng con trai và con gái út, nên ngày 28.11.2016 khi người con gái thuê thợ dựng
hàng rào trên phần đất đang tranh chấp thì ông cụ ra ngăn cản dẫn đến hai bên cự
cãi nhau. Thấy vậy, vợ chồng anh con trai gọi điện thoại mời công an phường đến
giải quyết.
Sau đó, ông cụ gọi điện thoại cho một người con trai khác về
nhà. Khi đến nơi, anh này đã dùng thanh kim loại tấn công vợ chồng anh con trai
kia và được mọi người can ngăn. Trong khi lực lượng chức năng đang giải quyết
thì ông cụ đã dùng dao gây thương tích cho cả hai vợ chồng anh con trai và một
người bạn của cô con gái. Giám định của cơ quan chức năng cho thấy, con trai,
con dâu và bạn của con gái bị thương tật với tỷ lệ lần lượt là 8%, 1% và 3%.
Sau đó, cả ba người đã có đơn yêu cầu khởi tố ông cụ.
Tại phiên tòa sơ thẩm, thấy ông cụ đã già yếu, sức khỏe kém
và thương tích gây ra cho các bị hại cũng nhẹ nên đại diện Viện KSND đã đề nghị
tòa phạt bị cáo từ 9 - 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Khi được hỏi ý kiến
về đề nghị của Viện KSND, các bị hại không đồng ý, đề nghị xử đúng pháp luật.
Cuối cùng, HĐXX đã quyết định phạt ông cụ 3 tháng tù giam về tội cố ý gây
thương tích.
2. Ông cụ có đến 9 người con. Cụ bà đã mất cách đây gần 20
năm. Nói chuyện với cụ, thấy dù cao tuổi nhưng còn rất minh mẫn. Tôi hỏi, thôi
thì của cụ cũng là của các con, đất đai của ông bà nhưng khi ông đi theo bà rồi
cũng đâu có mang đi được, sao không chia hết cho các con để sống thanh thản? Cụ
cười mim mím môi, bảo cũng muốn làm như thế lắm, nhưng có người con lại muốn nhận
cả về mình, thế thì đâu có được. Cụ còn kể nhiều về những việc “chướng lắm” mà
con cụ làm... Nhưng rồi, kết thúc câu chuyện, cụ lại đau đáu, giá mà mấy đứa
con chỉ cần nói một tiếng xin lỗi thì cụ xí xóa hết. Rồi cụ ngước nhìn một người
con gái khác của mình, bảo nó nghèo lắm, được cụ hỗ trợ tính ra có thể kể tiền
trăm triệu nhưng cha nào tính với con, “nó khổ mà giúp được thì mình giúp chứ
sao mà tính được”.
3. Phiên tòa phúc thẩm có rất đông luật sư tham gia bào chữa
miễn phí. Nhiều luật sư nói thẳng, họ tham gia vì tính đạo đức gia đình của vụ
án. Phiên tòa mở ra, ai cũng sợ nó sẽ còn căng thẳng hơn ở sơ thẩm. Vì lúc xử
sơ thẩm, để đảm bảo an ninh, tòa đã mời lực lượng công an hỗ trợ tư pháp ở một
phiên tòa khác qua giữ trật tự, sau còn mời thêm cả công an phường tới vãn hồi
trật tự, nên việc lo sự việc căng thẳng ở tòa phúc thẩm cũng có lý…
Nhưng, từ khi bắt đầu phiên phúc thẩm, cả ba thẩm phán trong
HĐXX đã thay phiên nhau phân tích các điều hơn lẽ thiệt cho bị cáo và bị hại
nghe. Theo các vị thẩm phán, vì họ là một gia đình, vì họ là cha, con nên HĐXX
mới dành thời gian để nói, chứ “nếu xử theo pháp luật thì chúng tôi xử nhanh gọn
lắm”. Tòa phân tích, việc người cha dùng dao như hồ sơ thể hiện là vi phạm pháp
luật, nhưng sâu xa trong đó là gì thì tự gia đình phải hiểu. Hơn cả, dù thế nào
thì cha mẹ vẫn là cha mẹ, ai cũng do cha mẹ sinh ra cả. Các anh em, nếu không đồng
ý về nhau cũng đừng nói những lời gây bức xúc…
Hầu như thời gian chính của phần xét hỏi đã được tòa dùng để
phân tích, vận động những người con suy nghĩ lại. Và, cuối cùng cả ba bị hại đồng
ý rút đơn. Nhưng người con trai vẫn phàn nàn rằng, anh chờ mãi một tiếng “ba
sai rồi” từ “ông ấy” mà chưa được nghe. Lúc này, vị thẩm phán nhỏ nhẹ với anh về
tâm lý, sĩ diện của người già: “Đặt trường hợp mình, cũng có khi rầy con mình
sai nhưng mình đâu có nói với con là con ơi ba mẹ sai rồi đâu”. Rồi vị thẩm
phán “chốt” một câu, mà ai nghe cũng phải chùng lòng: “Người này có sai cũng là
cha mẹ, có thể thể tất cho nhau. Tức là thông cảm mà bỏ qua, lượng thứ cho
nhau. Người ngoài có khi còn lượng thứ được, thì cớ sao người trong nhà lại
không cho nhau điều đó?”.
Tôi để ý thấy ông cụ ngồi ở vành móng ngựa, khóe mắt ươn ướt.
Nhưng cũng như người con, cụ vẫn nói một câu mà bấy lâu ước mong, rằng giá như
nó nói một lời xin lỗi...
Cuối cùng, tòa tuyên chấp nhận kháng cáo của ông cụ, sửa bản
án sơ thẩm, miễn hình phạt cho ông. Nói như một luật sư đã phát biểu ở tòa là
“xin cảm ơn HĐXX về một phiên tòa mang đậm tính chất hòa giải, đạo lý xã hội,
thấm đẫm tình cha con... dù đó là một phiên tòa hình sự”.
Hoàng Hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét